KHI NÀO BẤT ĐỘNG SẢN NGHỈ DƯỠNG PHỤC HỒI?

23/10/2020
Chia sẻ bài viết

Dù trải qua nhiều biến động do những tác động của chính sách, dịch bệnh nhưng BĐS nghỉ dưỡng vẫn rất nhiều tiềm năng và đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để lấy lại “phong độ” cũ, vẫn còn cần những bước chạy đà.

Tạo cú lội ngược dòng từ khách nội địa

Dù từ tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, nhưng theo đánh giá của hầu hết chuyên gia quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, các chuyên gia nhận định, thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng những tháng cuối năm và trong tương lai gần sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lượng khách nội địa.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh: Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thực tế đã bắt đầu quá trình hồi phục, điều này có được từ “sự manh nha trở lại của dòng khách nội địa và cần tập trung đẩy mạnh thị trường này bằng cách đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch”.

Theo ông Mauro Gasparotti, rào cản lớn của du lịch hiện nay chính là tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhưng chỉ là tạm thời, còn về lâu dài, du lịch Việt Nam rất tiềm năng. Cụ thể, năm 2019, khách nội địa đạt 85 triệu trên tổng số 103 triệu lượt du khách. Bên cạnh đó, du khách Việt Nam xuất ngoại đã đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, từ 4,8 triệu chuyến đi trong năm 2012 lên tới 8,6 triệu chuyến đi trong năm 2018. Nhóm du khách này có nhiều kinh nghiệm du lịch và có mức chi tiêu cao hơn, họ sẽ có xu hướng khám phá những điểm đến mới tại Việt Nam trong thời gian tới khi hầu hết các thị trường du lịch quốc tế đều chưa mở cửa.

Những con số về khách du lịch nội địa rất đáng lạc quan, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường vẫn chưa thể phục hồi ngay như kỳ vọng và sẽ cần thêm thời gian để “tái tạo” và tăng sức bật.

“Có thể mất nhiều năm để ngành du lịch nghỉ dưỡng phục hồi như trước đại dịch, mặc dù hiện nay thị trường đang có những dấu hiệu khả quan nhờ nguồn cầu của khách nội địa”, báo cáo ngành du lịch khách sạn của Grant Thornton Việt Nam cho hay.

Đơn vị này cũng nhìn nhận, năm 2020 là cột mốc nhiều thử thách đối với ngành nghỉ dưỡng khi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển được áp dụng để đối phó với sự phát sinh của đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn của năm 2020 cũng là thời điểm các nhà đầu tư có hiểu biết sâu sắc nhất về thị trường và có tiềm lực tận dụng lợi thế cạnh tranh để bứt phá trong giai đoạn mới sắp tới.

Doanh nghiệp cần những chiến lược mới

Các chuyên gia nhấn mạnh, ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vượt qua khủng hoảng bằng khách nội địa nên các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để xây dựng các dự án tại những thành phố hạng 2, 3 có phong cảnh thiên nhiên đẹp, đặc biệt là khu vực ven biển.

Số liệu thống kê cho thấy, tầng lớp trung lưu Việt Nam đến năm 2025 có thể chiếm 25% dân số, tức khoảng 25 triệu người và ngày càng nhiều người trong số này có nhu cầu sở hữu một căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng và tích lũy tài sản. Nhu cầu này được khích lệ bởi hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc, đường hàng không… ngày càng phủ rộng, kéo gần khoảng cách giữa các đô thị truyền thống và đô thị biển.

Trên thực tế, từ sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội đầu tiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, rục rịch khởi động lại các dự án nghỉ dưỡng ven biển ở những địa phương mới nổi có tiềm năng, nhằm đón đầu xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ hai của dòng khách hạng sang nội địa. Điều này vừa khẳng định sức sống tiềm tàng của các chủ đầu tư, vừa cho thấy tầm nhìn của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cho một tương lai phát triển bùng nổ các sản phẩm nghỉ dưỡng ven biển.

“Những tháng cuối năm 2020, chúng ta được chứng kiến nhiều dự án bất động sản biển, đô thị biển với quy mô hàng trăm, hàng ngàn héc-ta được công bố dồn dập như thời gian qua. Nhiều dự án, nhiều công trường chưa nghỉ một ngày thi công dù trong cao điểm dịch Covid-19”, một chuyên gia đánh giá.

Phát biểu tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland cho hay, các nhà phát triển bất động sản tại thị trường Việt Nam rất sáng tạo khi không ngừng kiến tạo ra nhiều loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng đa dạng hơn trước đây. Nếu các mô hình mới này đạt tiêu chuẩn cao và được thị trường chấp nhận có thể hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Ông Phiên dự báo, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn khó đoán trên toàn cầu, những dự án nghỉ dưỡng có kết nối hạ tầng tốt, thời gian di chuyển nhanh tại thị trường nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sớm hơn.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án thuộc phân khúc nghỉ dưỡng biển, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, chính trong những thách thức của dịch bệnh, của tâm lý thị trường yếu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính mua lại quỹ đất tốt để phát triển dự án, đón đầu sự phục hồi của thị trường.

Theo chia sẻ của ông Bảo, doanh nghiệp này đã có nhiều hoạt động M&A trong thời gian qua để hiện tại, Danh Khôi “nắm” trong tay 6 dự án đất “vàng” ven biển. “Giai đoạn tìm kiếm quỹ đất cũng chính là thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm”, vị này nói.

Đưa ra dự báo về triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA cho biết: Những thị trường quen thuộc như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long vẫn là nơi duy trì thế mạnh du lịch từ cảnh quan môi trường thiên nhiên, di sản văn hóa – lịch sử,…

Đồng thời, những thị trường mới như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,… với lợi thế thiên nhiên, môi trường còn hoang sơ, chưa bị khai phá nhiều nên sẽ thu hút du khách. Cùng lúc đó, các chủ đầu tư lớn đang đổ bộ vào đây với năng lực triển khai dự án tốt hơn từ: Quy mô dự án, quy hoạch bài bản các phân khu chức năng, hạ tầng tiện ích,… đặc biệt là tạo ra thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị.

Theo Minh Minh/reatimes.vn

Tin tức liên quan


BẤT ĐỘNG SẢN HÒA BÌNH HỨA HẸN BÙNG NỔ HẬU COVID-19
BẤT ĐỘNG SẢN HÒA BÌNH HỨA HẸN BÙNG NỔ HẬU COVID-19
30/09/2121

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến cho nền kinh tế thế giới gặp một phen chao đảo. Tuy nhiên,…

Xem thêm
HỘI AN MUỐN ĐÓN KHÁCH QUỐC TẾ SAU PHÚ QUỐC
HỘI AN MUỐN ĐÓN KHÁCH QUỐC TẾ SAU PHÚ QUỐC
27/09/2121

Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết địa phương đang chuẩn bị các điều kiện tốt…

Xem thêm
CHUẨN BỊ MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH QUỐC TẾ: HÀNG LOẠT TỈNH, THÀNH LÊN PHƯƠNG ÁN
CHUẨN BỊ MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH QUỐC TẾ: HÀNG LOẠT TỈNH, THÀNH LÊN PHƯƠNG ÁN “VỰC DẬY” NGÀNH DU LỊCH
23/09/2121

Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh chia sẻ với VietnamFinance rằng các khu…

Xem thêm